Ngôn ngữ Viet Nam English
Sản phẩm mới
Nhận bản tin
Vui lòng nhập email để nhận bản tin
Kiến thức chăn nuôi -> Chăn nuôi Trâu, Bò
[THÚ Y] Bệnh sán lá gan trên trâu bò

Bệnh sán lá gan có tên khoa học là Fasciolosis, là một bệnh gây ra bởi 2 loài sán có tên là Fasciola gigantica và Fasciola heptica ký sinh ở gan, mật và gây tác hại ở trâu, bò, dê, cừu. Bệnh có ở khắp nơi trên thế giới. Ở nước ta, bệnh được phát hiện khắp các tỉnh từ phía Bắc đến Nam. Tỷ lệ bò nhiễm bệnh ở miền núi khoảng 30 – 35 %, vùng đồng bằng khoảng 40 – 70 %. Sán lá gan có thể ký sinh trong cơ thể gia súc nhiều năm và mỗi sán trong 1 ngày có thể thải qua phân từ 20.000 - 50.000 trứng nên khả năng lây truyền bệnh rất cao…

Hiện nay bệnh sán lá gan là một bệnh xảy ra khá phổ biến ở bò, bệnh thường ở thể mãn tính ở bò trưởng thành làm cho con vật gầy yếu, chậm lớn, giảm sản lượng sữa và chỉ gây bệnh cấp tính trên bê, chính vì vậy người chăn nuôi thường không phát hiện được bệnh từ đó ít quan tâm đến việc phòng bệnh mà làm giảm hiệu quả trong chăn nuôi

1. Chu trình phát triển của sán lá gan

Sán trưởng thành thải trứng qua phân (1), dưới điều kiện thích hợp của môi trường (nhiệt độ, ẩm độ) trứng phát triển thành miracidium (2). Miracidium sẽ chui vào ốc ký chủ trung gian là các loài ốc lymnae (4) và sinh sản trong ốc sau đó ra khỏi ốc dưới dạng metacercaria (5) bơi lội trong nước và bám vào các cây thủy sinh (6). Gia súc, người ăn phải rau, cỏ nhiễm metacecaria vào đường tiêu hoá sẽ chui qua vách ruột non vào xoang bụng xâm nhập vào gan và sống ở nhu mô gan trong 6 – 7 tuần trước khi phát triển thành sán lá trưởng thành ký sinh trong ống dẫn mật (7). Chu kỳ khoảng 3 – 4 tháng từ khi trâu bò ăn phải kén gan ống mật trưởng thành. Một sán lá trưởng thành có thể sống trong ống dẫn mật của gan từ 3 – 11 năm.

2. Cơ chế gây bệnh

Sán non trong quá trình di chuyển thường gây hiện tượng tắc ống dẫn mật, tổn thương niêm mạc ruột non dẫn đến nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và ống dẫn mật.

Sán trưởng thành sống trong ống dẫn mật và túi mật di chuyển gây tổn thương cơ giới và gây viêm túi mật, viêm gan nhiễm khuẩn. Sán trưởng thành cướp chất dinh dưỡng và ăn hồng cầu từ gan, mật để sống và phát triển làm cho bò gầy còm và thiếu máu trầm trọng.

Sán trưởng thành trong quá  trình ký sinh còn tiết ra độc tố tác động đến bộ máy tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa, rồi viêm ruột cấp tính và mãn tính làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bò và dẫn đến tử vong do kiệt sức.

3. Triệu chứng

Bò suy nhược, ăn ít, niêm mạc nhợt nhạt, lông xù xì dễ nhổ nhất là 2 vùng bên sườn và dọc xuống ức. Thủy thủng ở mắt, yếm ngực, nhai lại yếu, khát nước, tiêu chảy xen lẫn táo bón, thú gầy dần, con vật có thể bị ho. Phù thũng ở những vùng thấp của cơ thể như: 4 chân, nách ngực, vùng hầu. Thú có thể chết nếu nhiễm nặng.

+ Đối với bê (4 – 8 tháng tuổi): Do sức đề kháng còn yếu nên thường mắc bệnh ở thể cấp tính (các triệu chứng biểu hiện trong thời gian ngắn và nặng lên rất nhanh) với các triệu chứng sau: bê thường bỏ ăn và bị trướng bụng; sốt 40.5 0C và thường nằm bẹp một chỗ; tiêu chảy dữ dội, phân lỏng, có mùi tanh; bê có thể chết do mất nước và kiệt sức.

+ Đối với bò trưởng thành: Có sức đề kháng cao hơn nên triệu chứng biểu hiện nhẹ hơn: tiêu chảy mãn tính (tiêu chảy dai dẳng trong suốt thời gian mắc bệnh sán lá gan, tiêu chảy 1 thời gian rồi khỏi, rồi lại tiêu chảy); bò gầy còm, sụt cân, chậm lớn, giảm tăng trọng, giảm tiết sữa, tiêu chảy nặng, có thể chết do kiệt sức.

4. Bệnh tích

+ Ống mật trong gan dày lên rõ rệt, giống cành cây, mổ ra có nhiều sán lá ký sinh trong đó, viêm loét ống dẫn mật.

+ Trên mặt gan của gia súc bị bệnh có vết di hành của sán lá (màu vàng trắng) và xuất huyết do các mô bị phá hủy. Nặng sẽ gây xơ gan.

+ Gan có những điểm hoại tử, niêm mạc tăng sinh thành những u trong đó có nhiều bạch cầu hạt

5. Phòng và trị bệnh

Phòng bệnh sán lá gan là chủ yếu để tránh lây lan và những thiệt hại về kinh tế với các biện pháp:

+ Trước khi nhập gia súc mới phải kiểm tra phân, những vùng nhiễm nặng không chăn thả tự do.

+ Định kỳ tẩy giun sán 2 lần/năm vào tháng 4 và tháng 8.

+ Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, ủ phân tiêu diệt trứng sán, phát sạch mương, rẫy, cống rãnh để không cho ốc sống gần chuồng nuôi. Tiêu diệt các ký chủ trung gian xung quanh chuồng, đồng cỏ chăn thả… Vê sinh thức ăn nước uống sạch sẽ. Sau khi cắt rau cỏ dưới nước, phải phơi tái đi rồi mới cho bò ăn.

+ Chăm sóc nuôi dưỡng thật tốt để nâng cao sức đề kháng.

Sau khi nghi ngờ bò bị nhiễm sán lá gan, cần chú ý theo dõi, chẩn đoán chính xác dựa vào các triệu chứng, bệnh tích và xét nghiệm phân để kịp thời điều trị và xử lý, tránh lây lan mầm bệnh. Điều trị bệnh sán lá gan dùng Triclabendazole có hiệu quả nhất hiện nay, kết quả điều trị thường khỏi 100%, ngoài ra còn có các loại thuốc khác cũng đem lại hiểu quả cao. Nên kết hợp với thuốc bổ, bổ sung vitamin, giải độc gan và chế độ dinh dưỡng tốt để bò nhanh hồi phục.

Phòng Kỹ Thuật - Marketing - Công Ty TNHH NHÂN LỘC